Lịch sử hoạt động Lockheed P-38 Lightning

Đơn vị đầu tiên nhận được P-38 là Liên đoàn Tiêm kích số 1. Sau trận Trân Châu Cảng, đơn vị được sáp nhập vào Liên phi đoàn Chiến đấu số 14 tại San Diego để phòng thủ Bờ Tây.[18]

Tham gia vào cuộc chiến

Chiếc Lightning đầu tiên phục vụ tác chiến là phiên bản F-4, là kiểu P-38E mà 4 máy ảnh được thay cho súng máy. Nó gia nhập Phi đoàn Không ảnh số 8 tại Australia ngày 4 tháng 4 năm 1942[10]. 3 chiếc F-4 được Không quân Hoàng gia Australia sử dụng trên chiến trường này trong một giai đoạn ngắn từ tháng 9 năm 1942.

Ngày 29 tháng 5 năm 1942, 25 chiếc P-38 bắt đầu hoạt động tại quần đảo Aleutian, Alaska. Tầm bay xa của máy bay này khiến nó rất phù hợp trong chiến dịch trên chuỗi quần đảo kéo dài đến gần 2.000 km (1.200 dặm), và nó phục vụ ở đấy cho đến hết cuộc chiến. Aleutian là một trong những nơi có hoàn cảnh khó khăn nhất để thử nghiệm kiểu máy bay mới trong điều kiện chiến đấu. Có nhiều chiếc Lightning bị mất do thời tiết khắc nghiệt và những hoàn cảnh khác hơn là do đối địch, và có những trường hợp phi công Lightning, mải mê bay nhiều giờ trên biển xám dưới bầu trời xám, đơn giản là bay luôn xuống nước. Vào ngày 9 tháng 8 năm 1942, 2 chiếc P-38E của Liên phi đoàn 343, Không lực 11, sau chuyến bay tuần tra dài 1.600 km (1.000 dặm) bỗng bất ngờ gặp 2 chiếc thủy phi cơ Kawanishi H6K "Mavis" Nhật Bản và tiêu diệt chúng luôn,[10] đánh dấu chiếc máy bay Nhật Bản đầu tiên bị Lightning bắn rơi.

Mặt trận châu Âu

P-38 tham gia chiến dịch Normandy với dấu hiện tấn công Ngày-D sơn trên cánh.

Sau trận Midway, Không lực Lục quân Hoa Kỳ bắt đầu bố trí các đơn vị tiêm kích tới Anh Quốc như là một phần của Chiến dịch Bolero, và Lightning của Liên phi đoàn Tiêm kích số 1 bay vượt Đại Tây Dương ngang qua Iceland. Vào ngày 14 tháng 8, 1 chiếc P-38F và 1 chiếc P-40 hoạt động ngoài khơi Iceland đã bắn hạ 1 chiếc Focke-Wulf Fw 200 Condor xuống Đại Tây Dương, đánh dấu chiếc máy bay Đức Quốc xã đầu tiên bị Không lực Lục quân Hoa Kỳ bắn rơi.[19]

P-38 Lightning có được những lần thoát hiểm may mắn, ví dụ như dịp Liên phi đoàn Tiêm kích 71 đến đóng tại Goxhill (Lincolnshire, Anh Quốc) vào tháng 7 năm 1942. Buổi lễ bàn giao chính thức dự định vào một ngày giữa tháng 8, nhưng vào ngày hôm trước, Goxhill chịu đựng cuộc oanh tạc duy nhất trong cuộc chiến. Một máy bay ném bom Đức duy nhất bay trên đầu và thả một quả bom nhắm rất khéo trúng chỗ giao nhau của 2 đường băng bê tông mới, nhưng quả bom không nổ và những chiếc máy bay vẫn được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. (Sau này mới rõ, không thể lấy quả bom đi, nên trong suốt cuộc chiến máy bay phải vòng qua tránh nó mỗi khi cất cánh.)

Sau 347 phi vụ mà không gặp địch, các Liên phi đoàn Tiêm kích số 1, 14 và 82 được chuyển sang Không lực 12 tại Bắc Phi như một phần của lực lượng được xây dựng cho Chiến dịch Torch. Ngày 19 tháng 11 năm 1942, Lightning hộ tống B-17 thả bom Tunis. Ngày 5 tháng 4 năm 1943, 26 chiếc P-38F của Liên phi đoàn 82 tiêu diệt 31 máy bay địch, giúp khống chế bầu trời khu vực, và được phía Đức gán tên lóng là "der Gabelschwanz-Teufel" (tên Quỷ Đuôi Chẻ).[18] P-38 tiếp tục hoạt động tại Địa Trung Hải cho đến hết chiến tranh.

Những kinh nghiệm tại Đức cho thấy nhu cầu cần có máy bay tiêm kích hộ tống tầm xa để bảo vệ những chiếc máy bay ném bom hạng nặng của Không lực 8. Những chiếc P-38H thuộc Liên phi đoàn Tiêm kích 55 được chuyển sang Không lực 8 tại Anh vào tháng 9 năm 1943, và có thêm các Liên phi đoàn 20, 364 và 479 không lâu sau đó.

Trên chiến trường Địa Trung Hải, phi công Ý bắt đầu đối mặt P-38 từ cuối năm 1942 và xem kiểu máy bay này là một kẻ thù dữ dội, ngay cả khi so sánh với những chiếc tiêm kích nguy hiểm khác bao gồm Supermarine Spitfire. Một số nhỏ P-38 rơi vào tay các đơn vị Đức và Ý, sau đó được thử nghiệm và được dùng trong chiến đấu. Đại tá Tondi bay một chiếc P-38, có lẽ kiểu "E", đã hạ cánh tại Sardinia do sai lầm trong dẫn đường. Tondi khai rằng đã bắn rơi ít nhất 1 chiếc B-24 ngày 11 tháng 8 năm 1943. Những chiếc P-38 đó sau này được Ý sử dụng sau chiến tranh.

P-38 hoạt động tốt trên chiến trường châu Âu cho dù bị áp đảo về số đông đến 10 chọi 1, và thường xuyên bị hỏng động cơ, một phần do không thể dung nạp nhiên liệu phẩm chất thấp của châu Âu. Nhiều vấn đề của máy bay được khắc phục ở phiên bản P-38J, nhưng vào tháng 9 năm 1944, tất cả ngoại trừ một nhóm Lightning của Không lực 8 chuyển qua sử dụng P-51. Không lực 8 vẫn dùng những chiếc F-5 thành công.[18]

Mặt trận Thái Bình Dương

P-38 được dùng rộng rãi và thành công nhất tại Mặt trận Thái Bình Dương, nơi nó chứng minh là phù hợp một cách lý tưởng, kết hợp tính năng bay xuất sắc và tầm bay rất xa. P-38 được ghi nhận tiêu diệt nhiều máy bay Nhật nhất so với các kiểu tiêm kích của Không quân khác.[1] Buồng lái lạnh cóng không là vấn đề ở vùng nhiệt đới. Trong thực tế, vì không có cách nào mở nóc kính buồng lái khi đang bay vì sẽ gây rung lắc do nhiễu động khí học cánh đuôi, thường rất nóng, và phi công hay bay với trang phục quần shorts, mang giày tennis và đeo dù. Trong khi chiếc P-38 không thể cơ động hơn Mitsubishi Zero và đa số máy bay tiêm kích Nhật khác, vận tốc và tốc độ lên cao cho phép cho phép phi công Mỹ lựa chọn chiến đấu hay bỏ chạy, và sức mạnh hỏa lực tấn công tập trung càng chết người hơn cho những chiếc máy bay Nhật bọc giáp yếu hơn là máy bay Đức. Jiro Horikoshi, người thiết kế Zero, đã viết: "Âm thanh đặc biệt của đôi động cơ của chiếc P-38 trở nên vừa quen thuộc vừa căm ghét đối với người Nhật dọc theo cả vùng Nam Thái Bình Dương."

Vào ngày 2 đến 4 tháng 3 năm 1943, P-38 bay yểm trợ cho nhóm máy bay ném bom và tấn công của Không lực 5 và Australia trong trận đánh biển Bismarck, một thất bại tan nát của Nhật. Hai phi công "Ách" P-38 của Phi đoàn Tiêm kích 39 bị giết vào ngày thứ hai của trận đánh: Bob Faurot và Hoyt "Curley" Eason (phi công kỳ cựu với 5 chiến tích và đã huấn luyện hằng trăm phi công, trong đó có Dick Bong).

Tướng George C. Kenney, Chỉ huy trưởng Không lực 5 Lục quân Hoa Kỳ tại New Guinea, không có đủ số máy bay P-38, mặc dù nó chỉ dùng thay thế những chiếc P-39 và P-40 còn hoạt động được nhưng không đủ. Phi công Lightning bắt đầu cạnh tranh nhau ghi điểm hạ máy bay Nhật.

Phục kích Yamamoto Isoroku

Lightning có mặt ở một trong những phi vụ nổi bật của Mặt trận Thái Bình Dương: vụ phục kích vào ngày 18 tháng 4 năm 1943 giết chết Đô đốc Yamamoto Isoroku, nhà kiến trúc của chiến lược Hải quân Đế quốc Nhật Bản tại Thái Bình Dương, kể cả trận đánh Trân Châu Cảng. Khi máy giải mã của Hoa Kỳ tìm thấy ông đang bay đến đảo Bougainville để thị sát mặt trận, 16 chiếc Lightning được gửi đến trong một phi vụ tấn công đánh chặn tầm xa, bay 700 km (435 dặm) từ đảo Guadalcanal ở độ cao cách mặt biển 3–15 m (10–50 ft) để tránh bị phát hiện. Những chiếc Lightning bắt gặp chiếc máy bay ném bom Mitsubishi G4M "Betty" của Yamamoto cùng những chiếc Zero hộ tống ngay khi chúng vừa đến. Bốn chiếc tấn công những máy bay ném bom, hạ chiếc Betty trên rừng rậm, trong khi 12 chiếc kia yểm trợ trên không.[20]

Thành tích phục vụ

Thành tích phục vụ của P-38 cho thấy những kết quả trái ngược. Ở mặt tiêu cực, hầu hết các biến thể đều khó lái hơn những chiếc tiêm kích 1 động cơ tốt nhất, và ở những phiên bản ban đầu, phi công bị lạnh cóng ở thời tiết phía bắc. Thêm nữa, cặp động cơ Allison có vấn đề – một số lớn Lightning bị mất trong chiến tranh do hỏng động cơ hơn là do đạn quân thù, làm cho máy bay có chỉ số thắng-thua tương đối thấp. Cho đến phiên bản -J-25, P-38 thường là "con vịt mồi" cho máy bay tiêm kích Đức vì động cơ yếu kém và thiếu bộ phanh bổ nhào để chống rung động. Phi công tiêm kích Đức thường né tránh bằng cách đâm bổ dài vì họ biết chiếc Lightning sẽ miễn cưỡng để bám theo.

Dù không là máy bay không chiến tốt nhất, ưu điểm lớn nhất của Lightning là tầm bay xa, chở nặng, vận tốc nhanh, tốc độ lên cao và hỏa lực tập trung. P-38 là chiếc máy bay tiêm kích và ném bom dữ dội, và khi trong tay một phi công giỏi, là mối đe dọa nguy hiểm trong không chiến. Trên mặt trận Thái Bình Dương, P-38 bắn rơi hơn 1.800 máy bay Nhật, và có hơn 100 phi công "Ách" vì hạ được 5 máy bay hay nhiều hơn.[20]